Đổi tên công ty từ RIM sang BlackBerry, trình làng nền tảng mới với nhiều tính năng hấp dẫn, ra mắt 2 thiết bị định hình cho dòng sản phẩm trong tương lai, nhà sản xuất “Dâu đen” đã nhận được sự đánh giá cao của giới công nghệ trong nỗ lực lấy lại vị thế của mình trên thị trường di động. Tuy nhiên, từng ấy cố gắng đã đủ hồi sinh một thương hiệu trứ danh?
Sự trở lại đầy ấn tượng
Khuya ngày 30/1 (theo giờ Việt Nam), trong sự kiện đặc biệt được tổ chức tại New York, nhà sản xuất điện thoại di động Research In Motion (RIM) đã công bố một loạt thông tin quan trọng. Trong đó, tên công ty chính thức đổi từ RIM sang BlackBerry nhằm tập trung vào thương hiệu được nhiều người biết đến, ra mắt nền tảng di động BlackBerry 10 (BB10) với một loạt tính năng ấn tượng, cùng với 2 thiết bị chạy trên nền tảng này, bao gồm BlackBerry Z10 màn hình cảm ứng hoàn toàn và BlackBerry Q10 sở hữu bàn phím QWERTY đầy đủ.
Sau nhiều năm liên tiếp trong tình trạng suy giảm trầm trọng, BlackBerry từ một thương hiệu điện thoại trứ danh, biểu tượng một thời gắng liền với doanh nhân, người dùng doanh nghiệp, chính phủ, có lượng fan đông đảo trên toàn cầu trở thành một nền tảng bị “ghẻ lạnh” và ngày càng lép vế trước sự vươn lên mạnh mẽ của iPhone và sau này là các smartphone Android.
Z10 tìm kiếm cơ hội hồi sinh cho BlackBerry.
Thị phần liên tục bị thu hẹp, hệ điều hành bị đánh giá là quá lạc hậu so với Android và iOS, RIM (hiện tại là BlackBerry) đã nỗ lực rất nhiều với việc tung ra các dòng thiết bị màn hình cảm ứng, bên cạnh việc duy trì điện thoại bàn phím QWERTY vật lý truyền thống, vốn là một trong những điểm tạo nên danh tiếng cho BlackBerry.
Tuy nhiên, loạt sản phẩm gắng với nền tảng BlackBerry 7 (BB7) vẫn chưa giúp hãng lấy lại vị thế vốn có trước đây, thậm chí đẩy sự sụt giảm ngày càng trầm trọng hơn.
Với BB10, giới phân tích đánh giá đây là nổ lực cuối cùng của BlackBerry, mọi thành bại của công ty có thể quyết định ở lần ra mắt này. Điều đó đã lý giải cho nguyên nhân hãng điện thoại Canada liên tục lùi ngày ra mắt BB10 cho mãi đến tận đầu năm nay. BlackBerry thật sự cần nhiều thời gian để chăm chút cho nước đi quyết định này cũng như lựa chọn thời điểm công bố hợp lý nhất.
Mọi thứ diễn ra vào đêm 30/1 đã làm hài lòng không chỉ fan của BlackBerry mà cả giới công nghệ. Được đánh giá là một bước nhảy vọt so với BB7, nền tảng di động mới của BlackBerry mang trong mình những phần mềm và dịch vụ xuất sắc, đủ sức cạnh tranh với iOS và Android. Với BB10, BlackBerry không còn là một nền tảng già cỗi, khô cứng và nghèn nào như cách nghĩ của nhiều người trước đây.
Cùng với BB10, BlackBerry Z10 mang lại một hình ảnh mới cho thiết bị “dâu đen”. Smartphone này sở hữu thiết kế nam tính, mạnh mẽ, các thông số kĩ thuật hoàn toàn có thể sánh ngang với những điện thoại thông minh cao cấp nhất hiện nay như iPhone 5 hay Galaxy S III, cùng với nhiều tính năng độc quyền do BB10 mang lại.
Bên cạnh đó, BlackBerry cũng giữ lại thế mạnh vốn có của mình là bàn phím QWERTY vật lý đầy đủ trên chiếc Q10.
Có thể nói, BlackBerry đã dồn toàn lực cho lần cố gắng này, và mọi thứ đang diễn ra hoàn hảo.
Những thách thức chờ đợi phía trước
Với sự ra mắt của BB10 và 2 thiết bị mới trên nền tảng này đã thành công bước đầu khi nhận được những phản hồi tích cực từ người dùng cũng như giới phân tích, tuy nhiên, điều này chưa chắc đã đảm bảo cho sự thành công của BlackBerry trên thị trường di động trong thời gian tới.
Đầu tiên, theo xu hướng phát triển trên thị trường hiện nay, một nền tảng di động muốn thành công nhất thiết phải gắng chặt với kho ứng dụng và nội dung số.
Hơn ai hết, BlackBerry ý thức được điều này. Hãng đã nhanh chóng đổi tên BlackBerry App World thành BlackBerry World với ngụ ý kho dịch vụ của mình không chỉ bao gồm ứng dụng mà cả nhạc, phim và các nội dung giải trí khác. Không lâu sau đó, BlackBerry World một lần nữa được cải tiến, thay giao diện mới, thêm nhiều ứng dụng đáng giá… Tất cả đã được hoàn thành ngay trước sự kiện ra mắt BB10.
Với nỗ lực của hãng, khi BB10 ra mắt, BlackBerry World đã có 70.000 ứng dụng sẵn sàng cho nền tảng này và có hầu hết các ứng dụng phổ biến nhất trên iOS hay Andoid.
Tuy nhiên, nếu so về số lượng lẫn chất lượng ứng dụng của BlackBerry World với App Store hay Google Play thì thật sự quá khập khiễng.
Vẫn còn nhiều ứng dụng then chốt chưa sẵn sàng cho người dùng BlackBerry. Vấn đề nằm ở chỗ, các nhà phát triển ứng dụng vẫn đang nhìn BB10 với con mắt e ngại và chưa dám vội vàng bỏ công sức vào một nền tảng chưa biết có thành công hay không.
Mặt khác, có đánh giá cho rằng BlackBerry đang “sao y” Android khi có đến 40% ứng dụng trên BlackBerry World không khác gì so với trên Google Play. Với sự khác biệt lớn của 2 nền tảng, đây thật sự là tín hiệu không tốt dành cho BlackBerry, một ứng dụng hấp dẫn trên Android có thể chỉ mang đến những tính năng nhàm chán trên BlackBerry.
Một thách thứ nữa phải kể đến chính là sự thống trị gần như tuyệt đối của Android và iOS.
Theo thống kê đến quý 4 năm 2012 được thực hiện bởi Strategy Analytics, Android đang nắm giữ 70% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu, cùng với 22% của iOS, 2 nền tảng dẫn đầu đã chiếm hơn 90% thị trường smartphone.
Sự thống trị này là rào cản cho bất kì nền tảng nào muốn tạo sự bức phá. Cộng đồng người dùng quá đông đảo, sự phong phú của các thiết bị, sự tham gia của nhiều nhà sản xuất lớn nhỏ trên toàn cầu, tất cả đã tạo nên một sức mạnh khó có thể chống lại.
Trong khi đó, số lượng người dùng BlackBerry đang thu hẹp dần để chuyển sang iOS và Android, rõ ràng, việc BlackBerry giữ chân người dùng truyền thống còn là vấn đề nan giải, trước khi nghĩ đến chuyện gia tăng thị phần của mình.
Nhiều nhà phân tích cho rằng BlackBerry đã có nỗ lực lớn nhưng hơi muộn màng.
Dù sao đi nữa, mọi thứ vẫn còn ở phía trước, BlackBerry còn nhiều việc phải làm với BB10 sau sự ra mắt ấn tượng vừa qua. Thị trường di động sẽ hứa hẹn nhiều cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn, bên cạnh 2 “đại gia” iOS và Android, giờ đây BB10 và Windows Phone 8 sẽ nỗ lực hết mình để định đoạt vị trí thứ 3 trước khi nghĩ về một tương lai xa hơn.
Vinh Anh